GPAY là đơn vị thứ 33 trên tổng số các công ty thanh toán kỹ thuật số được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các công ty thanh toán điện tử được cấp phép gần đây nhất vào năm 2019 bao gồm Payme, FinViet, EPay, PayTech, Dibee và Smart Net.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có Văn bản số 37/GP-NHNN về việc cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho Công ty Cổ phần Thanh toán G (GPAY). Theo giấy phép này, các dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép là: Dịch vụ Cổng thanh toán điện tử; Dịch vụ Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Dịch vụ Ví điện tử.
Được thành lập vào tháng 6 năm 2018, GPAY bắt đầu là ứng dụng hỗ trợ kết nối dịch vụ chuyển tiền 24/7, nền tảng để người dùng có thể cung cấp dịch vụ như các ATM di động đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam, đạt 50 triệu đô la tổng giá trị giao dịch và hiện diện tại 42 tỉnh thành phố trong năm 2019. GPAY đặt mục tiêu mở rộng mạng lưới tới 63 tỉnh thành phố của Việt Nam và cung cấp toàn diện các dịch vụ thanh toán và tài chính bao gồm cổng thanh toán, ví điện tử, thu hộ chi hộ và đầu tư số … cho hơn 5 triệu người dùng vào năm 2023.
“GPAY được hỗ trợ bởi hệ sinh thái bao gồm nền tảng tài chính, cộng đồng trò chơi, mạng xã hội và các công ty công nghệ của G-Group với hơn 20 triệu người dùng. Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều hơn vào công nghệ và tuyển dụng nhân tài, kỳ vọng sớm đạt được vòng tài trợ Series A”, một Thành viên HĐQT GPAY khẳng định.
Vị này cũng chia sẻ với DealStreetAsia rằng Công ty hiện đang tiến hành đàm phán với các nhà đầu tư tài chính và đối tác là doanh nghiệp cho vòng tài trợ Series A. Trước đó, GPAY được G-Group rót vốn vòng tài trợ hạt giống (Seed Round).
G-Group là một công ty đầu tư (holdings) trong lĩnh vực công nghệ, G-Group đang nắm giữ các doanh nghiệp hoạt động về truyền thông trò chơi, bảo mật, dịch vụ tài chính và mạng xã hội. Các khoản đầu tư của G-Group bao gồm Tima – nền tảng cho vay ngang hàng, kết nối với các nhà đầu tư có nguồn tiền nhàn rỗi với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay tiêu dùng và các hộ kinh doanh vay vốn (huy động được khoản tài trợ Series B trị giá 3 triệu USD từ Belt Road Capital Management vào năm 2018) và Gapo – một mạng truyền thông xã hội gia đình theo mô hình Facebook.
Trở lại với giấy phép được cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, GPAY là đơn vị thứ 33 trên tổng số các công ty thanh toán kỹ thuật số được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Các công ty thanh toán điện tử được cấp phép gần đây nhất vào năm 2019 bao gồm Payme, FinViet, EPay, PayTech, Dibee và Smart Net.
Trong số đó, có 12 công ty được rót vốn thậm chí bị mua lại bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là ứng dụng VNPAY – công ty thanh toán điện tử nhận được giá trị tài trợ vốn lớn nhất từ SoftBank Vision Fund và GIC (Singapore). Hay MoMo cũng tuyên bố nhận được tài trợ khủng từ Warburg Pincus trong lần gọi vốn thứ 3.
Một số ứng dụng khác như Moca – đối tác chiến lược của Grab, Payoo – được mua lại bởi NTT Data), eMonkey – đã bán lượng lớn cổ phần cho Alibaba, 1Pay – được mua lại bởi Ascend Money – chi nhánh Ant Financial của Thái Lan. Đáng chú ý, Tập đoàn Vingroup cũng mua lại MonPay.
Trước bối cảnh trên, Việt Nam dự kiến sẽ ban hành quyết định giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các doanh nghiệp thanh toán kỹ thuật số vào tháng 6 năm nay. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất khoá room ngoại ở mức 49% trong lĩnh vực này. Nhưng, với quan điểm trung gian thanh toán là một dịch vụ khai thác tiến bộ công nghệ mới, đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển dẫn đến kiến nghị trên của Ngân hàng Nhà nước bị bác bỏ.