TIN TỨC - SỰ KIỆN

VIETNAMBIZ: THANH TOÁN SỐ VÀ VÍ ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM: ĐÔNG ĐÚC, NÁO NHIỆT VÀ KHẮC NGHIỆT

Với dân số trẻ, đam mê công nghệ, Việt Nam đang trở thành điểm nóng cạnh tranh trong lĩnh vực ví di động và thanh toán số.

Theo Fintech News, trong năm 2020, ít nhất có thêm 9 tổ chức phi ngân hàng đã gia nhập vào lĩnh vực ví di động và thanh toán số. Bên cạnh đó, những thay đổi về điều hành thông báo trong năm 2020 hoàn toàn có thể giúp các nhà mạng cũng có thể nhập cuộc. Vì thế, đây là cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt và đông đúc.

Kể từ thời điểm trung tuần tháng 2/2020, danh sách các tổ chức phi ngân hàng cấp phép hoạt động trung gian thanh toán, bao gồm cả nền tảng thanh toán số và ví di động, đã tăng từ con số 32 lên 41 (tính đến thời điểm ngày 29/1/2021), theo thông tin Ngân hàng Nhà nước công bố.

Các dịch vụ thanh toán di động tại Việt Nam. (Ảnh: FintechNews)

Mới gia nhập “cuộc chơi” có thể kể đến một số cái tên như 9Pay (một startup fintech đang có hợp tác với BIDV và công ty công nghệ Úc SSLTrust), GPay (một công ty thành viên của G-Group vừa gọi vốn thành công 18,4 triệu USD trong vòng Series A hồi tháng 1/2021) và Appotapay (một công ty con của Appota Group, có sự hợp tác với Ngân hàng Nam Á).

Những cái tên này đang gia nhập một “cuộc chơi” đang phần lớn nằm trong tay của những công ty như MoMo, VNPay, Moca và ZaloPay với một lượng lớn người dùng thường xuyên và đều đã kêu gọi thành công nhiều triệu USD vốn đầu tư.

MoMo, thuộc vận hành của M_Service, là một trong những ví điện tử tiên phong ở Việt Nam và hiện đang có 20 triệu người dùng. Đây là một trong những startup công nghệ được rót vốn đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam. MoMo đặt kế hoạch trở thành một “siêu ứng dụng” cùng tham vọng IPO vào năm 2025.

Với 15 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, VNPay (công ty con của VNLife) cũng là một đối thủ đáng gờm. Mạng lưới thanh toán bằng mã QR của VNPay hiện đã được tích hợp vào hơn 30 ứng dụng ngân hàng và có mặt tại trên dưới 100.000 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Năm 2020, VNPay trở thành startup kỳ lân thứ 2 của Việt Nam, sau VNG.

Moca và ZaloPay trong khi đó tận dụng lợi thế hệ sinh thái của mình để phát triển ví điện tử. Moca nằm trong hệ sinh thái của Grab (Grab thâu tóm Moca vào năm 2018) còn ZaloPay được phát triển từ Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam.

Sự bùng nổ của TMĐT ở Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của mảng thanh toán số và ví di động với những cái tên như MoMo, ZaloPay, Airpay và eMonkey đều gắn với các sàn TMĐT lớn như Tiki, Shopee hay Lazada. Năm 2020, doanh thu ngành thương mại điện tử Việt Nam chạm mốc 11,8 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2019, theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương.

Dù vậy, các quy định hiện tại của Việt Nam, ví dụ như áp dụng hạn mức giao dịch giao dịch của ví điện tử là 100 triệu đồng một tháng, có thể là trở ngại phát triển đối với các ví điện tử thông qua TMĐT, theo Tiến sĩ Đoàn Bảo Huy, giảng viên tài chính đại học RMIT.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile – Money). Quyết định này cho phép triển khai thí điểm Mobile – Money có hiệu lực từ ngày ký (9/3/2021). 

Động thái trên cho thấy các ông lớn viễn thông cũng sẽ sớm có mặt ở mảng thanh toán số. Với nhóm đối thủ từ ngành viễn thông, họ bước vào thị trường với những lợi thế lớn như vốn, hạ tầng, mức độ nhận diện và niềm tin của khách hàng, ông Đoàn Bảo Huy nói thêm.

Khác với ví điện tử, vốn yêu cầu người dùng phải liên kết thẻ ngân hàng để nạp tiền vào ví, Mobile – Money chỉ yêu cầu người dùng có điện thoại di động và số điện thoại.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến việc các ngân hàng ở Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số hoặc hợp tác với các startup fintech công nghệ để ra mắt các sản phẩm sáng tạo.

Tháng trước, VPBank hợp tác với Be để ra mắt dịch vụ ngân hàng số Cake. Cake nằm trong ứng dụng di động của Be và cho phép người dùng thực hiện các dịch vụ ngân hàng cơ bản như truy vấn tài khoản và chuyển tiền.

Khi cạnh tranh ngày càng lớn, các nhà cung cấp ví điện tư cần thể hiện rõ lợi thế so với ngân hàng truyền thống. Song song với đó là nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái rộng khắp, tương tự những gì Ant và Tencent đã làm ở Trung Quốc, để lôi kéo người dùng.

“Các dịch vụ mà ví điện tử cung cấp như chuyển tiền nhanh, thanh toán hoá đơn hay thanh toán TMĐT đều đã có trong các ứng dụng ngân hàng truyền thống”, Tiến sỹ Tiến sĩ Phạm Nguyễn Anh Huy của đại học RMIT nói. 

Theo ông, các ngân hàng sẽ phải tăng tốc để bắt kịp ví điện tử ở nhiều loại hình dịch vụ song ngân hàng hoàn toàn có thể làm được điều này thông qua mua bán – sáp nhập.

Đối với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình của Đại học RMIT, nhà cung cấp dịch vụ ví điện tử không nên phụ thuộc vào phí giao dịch để có lãi. Thay vào đó, họ cần tập trung xây dựng hệ sinh thái bằng các sản phẩm và dịch vụ gia tăng.